Cây gió bầu

Quy trình nhân giống Dó trầm bằng hạt

 1. Tiêu chuẩn cây mẹ để lấy giống:

– Tuổi cây mẹ: Dó trầm trồng tập trung hay trồng phân tán, sau 03 – 04 năm đã bắt đầu ra hoa kết quả. Muốn thu hoạch hạt làm giống phải chọn cây từ 07 tuổi trở lên.

– Cây sinh trưởng phát triển tốt, tán cân đối và phải được tỉa bỏ những cành tăm, cành thiếu ánh sáng. Cây đã ra hoa kết quả ổn định 03 vụ liên tục.

2. Thu hái bảo quản hạt giống:

          – Mùa vụ thu hái hạt: quả Dó chín vào cuối tháng 06 cho đến tháng 08 hàng năm. Khi vỏ quả chuyển từ màu xanh sang màu vàng mơ, và nếu bóp nhẹ quả tự tách, khi đó quả đã chín, hạt đã già, có nhân đầy đủ, có thể thu hái được.

– Chế biến quả: Sau khi thu được quả, đổ thành đống dùng vải phủ kín mặt đống, thời gian 03 ngày, khi quả tự nứt, có thể thu nhặt hạt.

– Bảo quản hạt: Sau khi thu được hạt, nếu chưa có điều kiện gieo ngay hoặc phải vận chuyển đi xa cần cấu bỏ cuống, bảo quản bằng cát ẩm, tỷ lệ 01kg hạt/1kg cát ẩm, trộn đều đựng trong túi dứa. Thời hạn bảo quản chỉ được từ 5 – 7 ngày.

– Tiêu chuẩn hạt giống:

+ Khối lượng 01 kg hạt = 4000 – 4500 hạt.

+ Tỷ lệ nảy mầm > 70.

3. Làm luống gieo.

Trước khi thu hái hạt giống cần chuẩn bị luống gieo theo những yêu cầu sau đây:

– Mặt luống cao so với đáy rãnh từ 10 – 15 cm. Mặt luống dốc 1- 2%, thoát nước. Nếu là đất cát pha phải phơi ải trước tối thiểu là 15 ngày để diệt mầm bệnh. Nếu vườn ươm là đất thịt và đất sét phải dùng cát sạch để làm luống gieo.

– Mặt luống rộng 80 cm. Dùng tre hoặc thép làm khung vòm luống. Dùng nilon trắng phủ lên trên để che mưa.

 

 

4. Gieo hạt:

Trước khi gieo cần sử lý hạt giống bằng thuốc tím 0,1%, ngâm hạt trong 60 phút. Cắm từng hạt (đầu hạt xuống dưới cuống hạt lên trên), hạt cách hạt 1cm, cắm ngập hạt trong đất. Sau đó dùng đất cát hoặc cát đã chuẩn bị trước trộn với trấu, phủ một lớp dày bằng hạt.

Tiếp đó dùng Tiel supper 300EC phun (theo hướng dẫn) đều lên trên mặt luống.

5. Chăm sóc cây gieo: Dùng bình bơm tưới theo chế độ phun mưa chỉ cần tưới đủ ẩm. Gieo hạt Dó vào đúng mùa mưa bão, có những trận mưa  kéo dài, rất dễ làm cho hạt bị úng và thối. Bởi vậy phải làm  vòm che mưa cho hạt ngay sau khi gieo. Làm vòm che như làm vòm che cho rau giống. Khi hạt mọc hết gỡ bỏ nilon và che nắng bằng lưới cản quang 2 lượt.

          6. Chuẩn bị vườn ươm:

* Điều kiện để làm vườn ươm cây Dó:

– Mặt vườn phẳng, có độ dốc từ 1% – 2% .

– Không bị úng nước khi mưa.

– Có nguồn nước tưới mùa khô.

– Không có cây che phủ( rãi nắng).

– Có nguồn điện để tưới.

– Có hàng rào bảo vệ chống gia súc gia cầm phá hoại.

– Làm dàn che nắng bằng lưới cản quang 50%.

* Chuẩn bị hỗn hợp ruột bầu.

Tháng 6, phải chuẩn bị đủ hỗn hợp ruột bầu bao gồm: Đất đã đập nhỏ.

Phân chuồng ủ hoai, trấu xay, phân lân lâm thao, phân vi sinh. Vỏ bầu 10 – 15.

– Công thức tính cho 1 vạn bầu loại 10×15 (áp dụng đối với đất thịt và đất sét).

Đất phù sa hoặc cát pha: 4m3.

Phân chuồng: 1600 kg hoặc phân vi sinh 400 kg.

Lân: 50 kg.

* Đóng và xếp bầu vào luống. Nền luống cao 10cm so với mặt rãnh. Mặt luống dốc 1%. Nên đặt 15 bầu /hàng. Cứ 2 hàng để cách 1 hàng ( mật độ 150 cây/m2). Dùng tre nẹp xung quanh luống.

* Nhổ cây cấy: Trước khi nhổ cây mầm, tưới đủ ẩm cho luống gieo. (5 lít/m2). Nhổ những cây đã ra lá thật cấy trước. Không nên nhổ cây chưa có lá thật. Như vậy sẽ tạo ra lứa cây đồng đều trên luống. Sau khi cấy xong 1 luống dùng bình phun tưới phớt cho cây để cây mau bén rễ.

 

 

* Cấy cây vào bầu: Dùng một chiếc que vót nhọn để cắm lấy lỗ cấy, đưa rễ cây vào lỗ, chú ý không để quăn rễ, dùng hai ngón tay ấn chặt đất để rễ tiếp xúc tốt với đất

* Chăm sóc cây con.

– Tưới nước:  + Khi đất thiếu ẩm phải tưới đủ ẩm cho cây

+ Những ngày nắng nóng kéo dài phải tưới đủ 2 lần sáng sớm và chiều tối.

+ Những ngày rét đậm, rét hại phải tưới ngày 2 lần như trên.

– Thoát nước: Gieo ươm Dó vào đúng tiết mưa ngâu, nếu vườn ươm  không thoát nước nhanh, Dó con dễ bị chết úng. Cho nên khi mưa bão phải ra vườn kiểm tra, khơi thông nước.

– Nhổ cỏ phá váng: 30 ngày / lần.

– Phun phòng: Từ khi cấy cây xong, phun thuốc phòng trừ nấm Tiel supper 300EC, 15 ngày / lần. Từ tháng 9 phun  thuốc phòng trừ nhện Score 25 EC, 15 ngày / lần.

* Tách nhập cây: Đến tháng 10 đã có hiện tượng phân hóa cây rất rõ. Có những cây cao vượt lên và có những cây nhỏ, cây còi cọc bởi vậy khi đó cần tách 2 loại để xếp ra luống riêng, gọi là luống cá biệt. Luống cây tốt, giảm lượng phân bón thúc. Luống cây còi tăng lượng phân bón.

Dùng những cây trung bình của 1 luống nào đó bù vào chỗ cây vừa bỏ ra.

* Dỡ bỏ lưới che vào đầu tháng 1.

* Đảo hãm cây: Là nhấc cây khỏi đất và tạm ngừng tưới bón trước khi trồng. Nếu cây đã đủ tiêu chuẩn trồng, phải đảo và hãm cây. Mục đích đảo và hãm cây là không để rễ cây ăn xuống đất, làm cho cây tạm thời ngừng sinh trưởng về chiều cao và tăng sức chịu đựng. Thông thường phải đảo hãm cây trước khi trồng 15 ngày.

 

Bài viết liên quan