Trà Kinh Lục Vũ – P3

Trà cụ (Trà Kinh – P3)

Biên dịch: Trần Quang Đức

Doanh (giành) : còn gọi là “lam” (làn), là “lung” (lồng), là “cử” (sọt), là thứ đồ đan bằng tre, đựng được năm thăng, hoặc có cái đựng một đấu, hai đấu, ba đấu. Trà nhân địu nó để hái trà vậy. (Nguyên chú: “Hán thư” có câu “Hoàng kim mãn doanh, bất như nhất kinh” tức “Dẫu có bạc vàng đầy cả sọt, chẳng bằng kinh sử một vài pho”. Nhan Sư Cổ chú: “Doanh, là đồ tre nứa, có thể đựng được bốn thăng.”)

Táo : thứ bếp không nóc (không ống khói).

Phủ (nồi) : dùng loại miệng bằng.

Tăng (chõ) : hoặc bằng gỗ, hoặc bằng đất, bên eo phết bùn. Lấy lam làm vỉ, dùng lạt buộc chặt. Thoạt mới đem chưng, bỏ trà vào vỉ, khi đã chín thời bỏ ra. Phủráo, thì đổ vào tăng. (Nguyên chú: Tăng không thắt lưng mà phết bùn.) Lại dùng cành cây hình ba chạc khuấy cho đều, phân tán măng và chồi trà đang đun, cho trà khỏi mất chất.

Chử cữu (chày cối) : còn gọi “xác”, thứ dùng thường xuyên là tốt nhất.

Quy (khuôn) : còn gọi là “mô”, là “quyền”, làm bằng sắt, hoặc tròn, hoặc vuông, hoặc hình hoa.

Thừa (thớt) : còn gọi là “đài”, là “chiêm”, làm bằng đá, bằng không thì làm bằng gỗ cây hòe, cây dâu rồi chôn chặt một nửa xuống đất, khiến không thể lay động được.

Xiêm (vải lót) : còn gọi là “y”, làm bằng lụa dầu, áo mưa hoặc áo chiếc, thứ phục trang hỏng rồi vậy. Đặt xiêm lên thừa, lại lấy quy đặt lên xiêm, để chế bánh trà vậy. Trà thành, thì nhấc mà bỏ ra.

Tị lê (mẹt) : còn gọi là “doanh tử”, là “bàng lang”. Lấy hai thanh trúc, mỗi thanh dài ba thước, thân hai thước năm, quai năm tấc. Lấy lạt đan mắt vuông, tựa như cái sọt đất của người trồng rau, rộng hai thước, dùng để bày trà vậy.

Khải : còn gọi là “chùy đao”. Cán làm bằng gỗ chắc, dùng để dùi bánh trà.

Phốc : còn gọi là “tiên”, làm bằng trúc, dùng xâu trà để tách bánh trà vậy.

Bồi (hố sấy) : đào đất sâu hai thước, rộng hai thước năm, dài một trượng. Trên làm tường ngắn, cao hai thước, trám bùn.

Quán (cái xiên) : vót tre mà làm, dài hai thước năm, dùng xiên trà để sấy.

Bằng (giá sấy) : còn gọi là “tiệm”. Lấy gỗ dựng trên bồi, giá gỗ hai tầng, cao một thước, dùng sấy trà vậy. Khi trà nửa khô, thời chuyển tầng dưới lên, khi đã khô hẳn, chuyển tầng trên lên.

Xuyến (xâu) : ở vùng Giang Đông và Hoài Nam người ta chẻ trúc mà làm; còn ở Ba Sơn, Hiệp Xuyên người ta lại chế bằng vỏ cây dai. Vùng Giang Đông một cân gọi là thượng xuyến, nửa cân là trung xuyến, bốn năm lạng là tiểu xuyến. Còn ở Hiệp Trung thì gọi một trăm hai mươi cân là thượng xuyến, tám mươi cân là trung xuyến, bốn năm mươi cân là tiểu xuyến. Chữ “xuyến” xưa viết chữ “xuyến” trong nghĩa “cái trâm, cái xuyến” hoặc chữ “xuyến” trong “quán xuyến”. Nay không viết vậy nữa. Như năm chữ “ma, thiên, đàn, toàn, phùng”, văn viết theo bình thanh, nghĩa đọc theo khứ thanh. Vậy nên mới dùng chữ “xuyên” để đặt tên.

Dục (tủ sấy) : lấy gỗ chế thành khung, lấy trúc đan thành vách, đoạn lại lấy giấy dán lên. Trong có ngăn, trên có nắp, dưới có đế, cạnh có cửa, đóng một cánh. Trong đặt một vật dùng đựng than lửa, gây lửa liu riu là được. Vào tiết mai vũ ở Giang Nam, thì phải sấy bằng lửa lớn. (Nguyên chú: Dục, lấy cái nghĩa cất trữ, nuôi nấng mà đặt tên vậy.)

Nguồn: Sách Trà Kinh do NXB Văn Học Xuất bản năm 2008

Bài viết liên quan