Trà Kinh Lục Vũ – P1

Về tác giả Lục Vũ (Trà Kinh – P1)

Tác giả: Trần Quang Đức

Quẻ Tiệm, quẻ thứ năm mươi ba trong Kinh Dịch, có câu “Hồng tiệm vu lục, kỳ vũ khả vi nghi, cát” (Chim hồng dần bay lên non, lông vũ có thể làm nghi sức, tốt lành). Lời của quẻ ấy suy ra có nghĩa rằng: bậc hiền nhân đặt mình nơi cao viễn, thoát vòng tiến thoái, ngoài cuộc no say; một sợi hồng mao tuy chẳng có cái tài lương đống, nhưng cũng có cái dụng lâu dài. Xem như chữ “nghi” trên kia chẳng phải là “nghi biểu”, là “mô phạm” cho muôn đời đó ư! Lục Vũ tự gieo quẻ mà đặt lấy tên họ cho mình như vậy.

Lục Vũ (733-804), một tên là Tật, tự Hồng Tiệm, lại tự Quý Tỳ, hiệu Đông Cương tử, người Cảnh Lăng (nay Thiên Môn, Hồ Bắc) Phục Châu thời Đường. Thuở nhỏ bị bỏ rơi, tăng Trí Tích chùa Long Cái qua cầu Cổ Nhạn, nghe tiếng hài nhi gào khóc trong bụi sậy bèn đem về nuôi trong chùa. Ông từ nhỏ hiếu học, tính tình điềm đạm, sớm hun đúc trong tư tưởng Phật Nho, coi khinh quyền quý, yêu chuộng thiên nhiên, chẳng muốn làm quan, ghét chốn chính trường. Như cuối năm Đại Lịch (766-780), đầu năm Kiến Trung (780-784), triều đình hai lần hạ chiếu vời làm Thái tử văn học, rồi Thái thường tự thái chúc, nhưng ông đều lần lượt tạ từ. Sau loạn An Lộc Sơn, ông dời đến Điều Khê (nay Ngô Hưng, Chiết Giang) đóng cửa viết sách, tự xưng Tang Trữ ông. Toàn Đường thi duy chép một bài thơ của ông, thơ rằng: “Chẳng ưa chén rượu vàng, chẳng ưa ly ngọc sang, chẳng ưa sớm vào tỉnh, chẳng ưa chiều thăng đàng, trăm dấu ngàn yêu nước Tây Giang, từ xưa chảy xuống thành Kim Lăng” rồi như trong Lục Vũ tự truyện, ông viết: “Thường một mình dạo bước trong rừng, tụng kinh Phật, ngâm thơ xưa; gậy gõ cây rừng, tay khua nước suối. Đoạn lại quanh quẩn, từ sáng tới chiều, đến khi bóng xế chếch tây, nhàn hứng đã tận, mới gào khóc quay về.” Hẳn thấy ông là bậc kỳ nhân vậy.

Lục Hồng Tiệm từ nhỏ theo tăng Trí Tích lên núi hái trà, sớm có niềm nhã thú với trà sự. Từ sau khi về ẩn ở Điều Khê, ông đã vân du khắp nơi, một lòng cùng cứu trà sự, truy sóc bản nguyên… cuối cùng viết thành một cuốn Trà kinh hơn bảy ngàn chữ. Từ sau ông trở đi, học giả đời sau mới lần lượt phỏng theo mà viết thêm các sách như Trà luận, Trà lục, Trà ký, Trà sơ… thế mới biết cái công tích của ông thực lớn lao lắm ! Vì vậy sau khi tạ thế, hậu nhân mới tôn ông làm “Trà thánh” rồi thờ cúng trong miếu đường.

Trà kinh chia làm thượng, trung, hạ ba quyển, gồm mười mục. Quyển thượng mục thứ nhất trà nguyên, luận về nguồn gốc, danh xưng, tính trạng và phẩm chất của trà; mục thứ hai trà cụ, luận về dụng cụ hái và chế trà; mục thứ ba trà tạo, luận về phép chế và các loại lá trà. Quyển trung riêng mục thứ tư trà khí, luận về dụng cụ đun uống. Quyển hạ mục thứ năm trà chử, luận phép đun trà; mục thứ sáu trà ẩm, luận về tục uống trà; mục thứ bảy trà sự, trích lục sự tích và các ghi chép cổ xưa về trà; mục thứ tám trà xuất, luận về các nơi xuất trà đương thời và những ưu khuyết của lá trà nơi ấy; mục thứ chín trà lược, luận về sự lược bỏ trà khí, trà cụ; mục thứ mười trà đồ, tức đem chín mục trên chép ra lụa trắng treo lên, để mục kích mà hiểu rành rọt được trà vậy.

Trà kinh cuốn chuyên trước về trà đầu tiên này, chẳng những tầm lục được thư tịch về trà xưa, lại tổng kết được một cách hệ thống, toàn diện những tiến triển của trà từ thời tiên Tần cho tới Đường trong hơn hai ngàn năm ở Trung Quốc. Ý nghĩa của sách này đối với người đời sau khó mà dùng lời để bày tỏ được. Đem Lục Hồng Tiệm mà so với Tư Mã Tử Trường hẳn không tránh khỏi khập khiễng, song trứ tác của hai ông cũng đều gom cái sử của ngàn năm mà gộp thành một sách, khiến cho bọn hậu sinh phải rạp mình kính cẩn. Người xưa sách cũ, nay xin sơ lược giới thiệu như vầy.

Nguồn: Sách Trà Kinh do NXB Văn Học Xuất bản năm 2008

Bài viết liên quan