Chè Thái Nguyên tạo việc làm cho nông dân

Chè Thái Nguyên tạo việc làm cho nông dân,Mỗi năm có hàng nghìn tấn chè Thái Nguyên được xuất khẩu trong khu vực và các nước trên thế giới như Nga, Ucraina, Anh, Ấn Độ, Nhật Bản, khu vực Trung Đông,Hồng Kông, Pháp…

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Thái Nguyên, Đề án phát triển chè tỉnh Thái Nguyên trong giai đoạn 2006 – 2010 bước đầu đã có những hiệu quả nhất định, tạo được thị trường tiêu thụ ổn định, bền vững cho sản phẩm chè Thái Nguyên với thị phần 70 % sản phẩm dành cho nội tiêu và 30 % dành cho xuất khẩu.

Việc chuyển đổi cơ cấu giống chè góp phần đưa năng suất chè từ 66,3 tạ/ha (năm 2005) lên 98,8 tạ/ha như hiện nay. Giá trị thu nhập bình quân của người làm chè hiện tăng lên trên 50 triệu đồng/ha và tại các vùng chè đặc sản đạt trên 100 triệu đồng/ha.

Năm nay, toàn tỉnh Thái Nguyên xuất khẩu trên 7.000 tấn chè, chiếm hơn 20% tổng sản lượng chè chế biến trong toàn tỉnh

Đất Thái Nguyên có điều kiện cho cây chè phát triển và nó thực sự trở thành sản phẩm mang tính đặc thù của quê hương. Chè Thái rất phù hợp với gu của người Việt: nước xanh, vị chát ngọt. Còn các chuyên gia thì đánh giá chè Thái Nguyên có hàm lượng đạm, axit amin, chất hòa tan và hoạt chất thơm rất cao, hàm lượng cafein thấp, giá lại phù hợp với người tiêu dùng.

Từ năm 2000, cây chè đã được xác định là cây công nghiệp chủ lực, có lợi thế trong nền kinh tế thị trường, là cây xoá đói giảm nghèo và làm giàu của nông dân. Toàn tỉnh hiện có gần 16.000 ha chè, trong đó có trên 13.000 ha chè kinh doanh, sản lượng chè búp tươi đạt gần 110.000 tấn/năm.

Cơ cấu giống chè cũng được quy hoạch theo từng vùng: giống chè trung du chiếm 79,3%, giống chè mới được chọn lọc và lai tạo trong nước chiếm 18% và các giống chè mới nhập về từ Trung Quốc, Đài Loan chiếm khoảng 2,7%.

Trong nông nghiệp thì cây chè được coi là cây chủ lực, chưa thể giúp người dân làm giàu theo hướng đột phá, nhưng là loại “cây xóa đói, giảm nghèo”, bởi nó có nhiều lợi thế, dễ chăm sóc, đầu tư không nhiều, thu hoạch lâu dài, giúp người dân ổn định đời sống một cách dễ dàng.

Cây chè chỉ trồng một lần và thu hoạch được trong nhiều năm, một năm thu hoạch được chừng 7 lứa, trong đó có khoảng 2 lứa trái vụ, giá trà trái vụ gấp 3 lần chính vụ. Chi phí bỏ ra cho chăm sóc đầu tư khoảng 45%, còn lại 55% là lãi.

Một gia đình nông dân trồng chè hiện nay trung bình có khoảng từ 3 sào đến 1ha chè, và chỉ cần 2 đến 5 người (không thường xuyên) chăm sóc cho diện tích đó. Những người trong nhà vẫn có thể cùng tham gia vào làm kinh tế, chăn nuôi lợn, gà… để ổn định đời sống.

Hiện nay cây chè tiếp tục được nông dân Thái Nguyên đầu tư chuyên canh, sản xuất ra sản phẩm trà có chất lượng tốt, đảm bảo thu nhập cao và ổn định cho người bà con.

QT (theo Website HNDVN)

Bài viết liên quan