Tạo vững niềm tin ở vùng đất chè Thái Nguyên

Tạo vững niềm tin ở vùng đất chè Thái Nguyên

Văn phòng UBND tỉnh Thái Nguyên vừa ra thông báo nhanh về kết quả hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2014 của NHCSXH trên toàn địa bàn, trong đó nổi bật là chỉ tiêu sử dụng vốn đạt khá cao, nâng tổng dư nợ sau 11 năm hoạt động lên 2.095 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 99,12% kế hoạch và chất lượng tín dụng với nợ quá hạn chưa đầy 0,06% trên tổng dư nợ, giảm trên 700 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước.

 

Vậy là kế hoạch còn lại phải thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2014 của chi nhánh NHCSXH tỉnh Thái Nguyên chỉ có 0,88%, bằng ngót 19 tỷ đồng vốn ưu đãi. Đặc biệt, thông báo cũng nêu rõ ý kiến của lãnh đạo UBND tỉnh biểu dương NHCSXH từ tỉnh đến 9 huyện, thị xã, thành phố đã tích cực tham mưu cho chính quyền cùng cấp tạo điều kiện về nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất cho công tác tín dụng chính sách, cụ thể đã chuyển vốn ngân sách địa phương bổ sung nguồn vốn cho NHCSXH được hơn 22,5 tỷ đồng, riêng huyện Phổ Yên đã hỗ trợ nguồn kinh phí 2 tỷ đồng để NHCSXH huyện xây dựng trụ sở làm việc và 300 triệu để mua xe ô tô phục vụ công tác cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.


Đồng vốn chính sách đã làm thay đổi cuộc sống, giúp đồng bào dân tộc huyện Đồng Hỷ thoát được nghèo, vươn lên làm chủ được cuộc sống

Bí thư huyện uỷ kiêm chủ tịch UBND huyện Phổ Yên Lê Thanh Tuyết xác nhận: mặc dù còn nhiều việc cần kịp đầu tư để phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội ở vùng đất cửa ngõ thành phố Thái Nguyên và dẫu kinh phí nguồn thu cũng hạn hẹp, nhưng lãnh đạo huyện rất xem trọng việc tăng cường năng lực hoạt động cho NHCSXH đóng trên địa bàn, đã thống nhất thực hành tiết kiệm chuyển kinh phí ngân sách bổ sung vào nguồn vốn của NHCSXH, bởi vì trên mảnh đất này đã và đang có hàng chục nghìn hộ nghèo, gia đình đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng lợi từ nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư vào sản xuất kinh doanh, thoát được nghèo, vươn lên làm chủ cuộc sống.

Ông Tuyết cũng khẳng định: ngày nay, nông thôn Phổ Yên chuyển động tích cực là có phần đóng góp to lớn của NHCSXH từ cá nhân đồng chí Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh đến những cán bộ tín dụng ở huyện luôn quan tâm tạo lập, tăng trưởng nguồn vốn, huy động sức mạnh cả hệ thống chính trị vào cuộc chăm lo đến người nghèo, vùng nghèo.

Hiển nhiên đó là sự thật. Đơn cử về huyện rẻo cao vùng An toàn khu Định Hóa, nơi cách xa thành phố Thái Nguyên tới 55km hiện còn tới 2/3 trong tổng số 24 xã, thị trấn thuộc diện đặc biệt khó khăn và số hộ nghèo chiếm tỷ lệ 24,81%, hộ cận nghèo là 28,31% trong tổng số 24,942 hộ toàn huyện, nhưng 10 cán bộ, nhân viên NHCSXH nơi đây luôn đoàn kết, chuyển tải kịp thời 284 tỷ đồng đến đúng địa chỉ các đối tượng được thụ hưởng.

Anh Ma Tử Hảo, người Tày ở mãi trong bản sâu Sơn Vinh, xã Sơn Phú mấy năm trước nghèo khổ lắm, đất ruộng không có, vốn liếng chẳng có bao nhiêu, nhà lại bị chậm điện làm cháy trụi tài sản… May làm sao, năm 2010 vợ chồng anh Hảo được vay vốn ưu đãi của NHCSXH để nuôi bò, nuôi dê sinh sản. Cuối năm ngoái, sau khi hoàn trả nợ cũ, anh được NHCSXH huyện cho vay tiếp 20 triệu đồng từ Chương trình hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn để đầu tư xây chuồng trại, mở rộng đàn gia súc. Hiện tại gia đình anh đang có 4 con bò sinh sản, 34 con dê. Cơ ngơi này giúp cho anh thoát hẳn cảnh nghèo, thu nhập ngót nghét 100 triệu đồng/năm.


Gia đình anh Hứa Văn Soan ở thôn Bãi Bình, xã Bảo Cường, huyện Định Hóa vay vốn chính sách đầu tư xây dựng chuồng trại, mở rộng đàn gia súc hướng tới phát triển kinh tế bền vững trên mảnh đất quê hương

Như anh Hảo trên vùng chiến khu xưa Định Hóa, còn có chị Lý Thị Thêu, vợ chồng người dân tộc Nùng Hứa Văn Soan, Phùng Thị Điều ở thôn Bãi Bình, xã Bảo Cường, hay ông Nguyễn Văn Minh, bà Nguyễn Thị Thanh, xã Phú Tiến được đồng vốn ưu đãi tiếp sức đã phát triển chăn nuôi lợn nái, bò sinh sản, chăm sóc đồi chè, nương ngô làm cho cuộc sống đỡ nhọc nhằn, thêm tươi vui nơi miên rừng xa xôi.

Thực tế cũng được chứng minh ở các làng quê nổi tiếng về diện tích, năng suất và chất lượng sản phẩm chè đặc sản Thái Nguyên là nguồn vốn tăng trưởng của NHCSXH huyện Đồng Hỷ 6 tháng đầu năm trên 16 tỷ đồng so với cùng kỳ. Nguồn vốn được giải ngân nhanh chóng, đúng đối tượng, đảm bảo công khai dân chủ. Nét mới trong những ngày này là bên cạnh việc cho vay các chương trình ưu đãi khác, tập thể cán bộ, nhân viên NHCSXH nơi đây, trong đó có 80% là nữ giới làm nhiệm vụ quản lý và tín dụng đã chẳng quản ngại nắng mưa, giao thông cách trở về tận bản làng heo hút, nhiệt tình hướng dẫn người nghèo và bà con dân tộc vay thêm vốn ưu đãi theo quyết định mới về nâng mức vay, hạ lãi suất một số chương trình tín dụng chính sách.

Bà Cao Thị Thuỳ, dân tộc Cao Lan ở xóm Trại Lài, xã Minh Lập, đã được vay 20 triệu đồng vốn hộ nghèo năm 2012, nay lại được vay bổ sung 25 triệu của NHCSXH để đầu tư mua cây giống, vật tư phân bón trồng 1ha chè cành và nuôi vỗ béo 2 con bò.

Bà Thuỳ xúc động nói: “Với 45 triệu đồng hộ nghèo và 8 triệu đồng vay để làm đường ống dẫn nước sạch về dùng, xây nhà vệ sinh, gia đình tôi đang có cơ hội thoát nghèo thật sự đấy. Cảm ơn Nhà nước nhiều lắm”.

“Nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH đã góp phần làm cho cả vùng đất chè Đồng Hỷ thức dậy, đổi thay. Cán bộ tín dụng chính sách nơi đây cũng rất xứng đáng để lãnh đạo, nhân dân địa phương đặt trọn niềm tin tưởng vào cách thức, nghị lực làm việc của họ luôn hết lòng vì người nghèo, với quê hương”, bà Nguyễn Thị Hoa – Phó Chủ tịch UBND huyện kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) cho biết.

PV

Bài viết liên quan