Chè Tân Cương – Thái Nguyên ,Ở Việt Nam, mỗi tỉnh thường có một thứ cây đặc sản riêng: “Dừa ngon Bình Ðịnh, Vĩnh Long; Thanh trà xứ Huế, Nhãn lồng Hưng Yên”, còn Thái Nguyên tự hào vì có chè Tân Cương nổi tiếng.
Trước đây, khách du lịch dừng lại Tân Cương trên hành trình đi hồ Núi Cốc, còn hôm nay, tự Tân Cương đã là một điểm đến hấp dẫn.
Nằm cách trung tâm thành phố Thái Nguyên 13km về phía Tây, Tân Cương là vùng đất bán sơn địa, cảnh quan thiên nhiên đẹp mắt với những dãy đồi thoai thoải về hướng mặt trời lặn mà dân địa phương gọi là núi Thằn Lằn. Bắt nguồn từ những cánh rừng trên núi, các con suối róc rách men theo những chân đồi chảy về tưới mát cả vùng chè đặc sản nổi tiếng.
Nơi đây đồi nối tiếp đồi, chè nối tiếp chè, hương chè tươi nồng nàn trong không gian. Người dân vùng chè mê mải với công việc thường nhật, từ động tác hái chè những ngón tay như múa, từ cách thức sao vò chè như thể làm ảo thuật. Cũng vì sự khéo léo đầy tính nghệ thuật đó mà nhiều người đã được tôn vinh là nghệ nhân.
Nguồn gốc
“Chè” và “Trà” là hai thứ khác nhau. Một chỉ nguyên liệu, một chỉ thành phẩm.
Cây chè (Camellia Sinensis) vốn là một giống cây hoang dại trong những cánh rừng phía Nam lục địa châu Á, trải từ Ấn Độ, Sri Lanka sang Việt Nam, Trung Quốc. Những cây chè cổ ở Suối Giàng (Lào Cai) hay Cao Bồ (Hà Giang) thuộc giống chè shan tuyết cao khoảng 15 – 20m, thường mọc ở những độ cao trên 1.200m, khi hái phải bắc thang. Năm 1935, các lái buôn người Anh còn bắt gặp những cây chè như thế ở vùng Assam, Đông – Bắc Ấn Độ cao đến hơn 30m. Trung Quốc có lẽ là nước uống trà vào loại hàng đầu thế giới, vậy mà đặc biệt người ta không tìm thấy cây trà hoang nào ở nước này.
Nhân loại thuần dưỡng giống cây quý này đã hàng ngàn năm. Trong các thức uống được ưa chuộng, “trà” (Tea/Thé) là một thế giới.
Không như rượu và cà phê, trà không chỉ là thức uống mà còn được xem như một dược thảo. Người Nhật gắn trà với thiền cùng nhiều nghi lễ giúp cân bằng tiết tấu cuộc sống nội tâm. Người Trung Hoa coi trà là một trong những lạc thú thanh cao dành cho tao nhân mặc khách. Có lẽ vì vậy mà họ đã chế tác ra rất nhiều loại trà danh tiếng truyền thụ từ nhiều đời. Tác phẩm thành văn bàn về trà, cổ nhất có lẽ là “Trà kinh” của Lục Vũ đời Đường, người được tôn vinh là “Trà thần”, cũng như “Trà ca” của Lô Đồng, người được đời sau xưng tụng là “Trà thánh”.
Ở Việt Nam, người đầu tiên, và đến nay có lẽ là duy nhất, luận về trà một cách công phu chưa thấy ai ngoài Vũ Thế Ngọc trong cuốn Trà kinh của mình (East Institute Press. California 1987 & NXB Văn Nghệ – 2006).
“Đệ nhất danh trà”
Gọi là chè Thái Nguyên nhưng chất lượng chè không phải vùng nào cũng giống nhau. Đã từ lâu, giới thưởng trà truyền tụng về một địa danh thường cung cấp loại trà nổi tiếng – trà Tân Cương. Người dân Tân Cương bảo rằng cây chè có ở đất này đã từ lâu lắm rồi, nhưng mới trở thành đặc sản lừng danh khoảng trăm năm nay nhờ ông Ðội Năm (tên thật là Võ Văn Thiệt) tới vùng này khai phá mở đồn điền trồng chè và chế biến thành những gói chè Bạch Hạc đem bán khắp nơi. Ẩm khách sành điệu rất ưa dùng và tôn vinh là “Ðệ nhất danh trà”, được lưu truyền từng là sản vật để tiến vua. Vườn chè cổ vẫn còn, nay đã 87 tuổi.
Mỗi gia đình ở Tân Cương đều có vườn chè và lò sấy, chủ hộ đóng rất nhiều vai: là nông dân khi chăm sóc chè, là công nhân lúc chế biến và trở thành thương nhân khi bán hàng. Thường thì việc hái chè dành cho những cô gái trẻ. Khắp đồi chè lan tỏa tiếng nói, tiếng hát, tiếng cười trong vắt của họ.
Chè là một loại cây cực kỳ khó tính và rất nhạy cảm. Ngay cả một cây xoan (sầu đông – sầu đâu) mọc ở trong vườn sẽ làm cho hương vị của những cây chè dưới gốc đã khác. Người Tân Cương bón chè bằng phân vi sinh, thuốc đuổi sâu chế biến từ cây khổ sâm. Chè phải được hái từ tinh sương đến giữa Ngọ. Dụng cụ đựng chè phải bằng sọt tre, hái khoảng nửa giờ phải mang chè vào lán. Chè đựng bằng bao ni lông và phơi nắng lâu rất dễ bị ôi chè, phẩm cấp giảm. Khi sao chè, kỵ nhất là mùi nước hoa, đặc biệt mùi dầu cù là.
Hái búp chè cũng phải đúng cách “một tôm hai lá, một cá hai chừa” để lấy được đúng phần ngon nhất của búp chè và tạo điều kiện cho lứa sau phát triển nhanh, nhiều búp hơn. Sau khi thu hái, chè búp tươi phải được tải trong bóng râm chừng 3 giờ đồng hồ rồi mới đem chế biến thì chè sẽ cho hương vị tuyệt hảo. Đây là kinh nghiệm quý được đúc kết qua nhiều đời làm chè.
Búp chè hái về phải chế biến ngay trong ngày theo đúng quy trình kỹ thuật truyền thống: Sao, vò, rồi lại sao mà phải làm liên tục, gọi là sao suốt. Qua bàn tay đảo búp chè cảm nhận độ nóng rồi điều chỉnh lửa thích hợp trong quá trình sao là bí quyết riêng của mỗi nhà sản xuất chè để được chè ngon; rồi sàng sảy phân loại chè cám, chè ban, chè búp; lấy hương… rất nhọc nhằn, công phu. Trước đây sao chè bằng chảo gang và củi, lấy hương bằng chảo đồng cho sản phẩm chè ngon nhất nhưng năng suất chế biến thấp, sao giỏi chỉ được 5kg/ngày, một lò sao lăn được 2kg/giờ. Nay, việc sao vò chè đã có máy móc hiện đại, rút ngắn thời gian chế biến. Nhưng, dù theo cách nào, chè ngon hay dở đều phụ thuộc phần lớn vào việc điều chỉnh lửa.
Khi chế biến chè, người nông dân đã thực sự trở thành nghệ nhân. Sự nhạy cảm của các ngón tay mách bảo họ khi nào chè cần tăng nhiệt, khi nào phải rút bớt củi, quá lửa chè sẽ khét còn không đủ nhiệt, chè có vị ngái rất khó uống. Nhiều nghệ nhân cho biết chỉ cần nghe tiếng cánh chè chuyển động trong lò sấy đã có thể biết độ nóng của lò. Dù họ không giấu nghề, tận tình hướng dẫn từng động tác nhưng khách không dám đến sát lò lửa chứ đừng nói đến chuyện đảo vò chè bằng tay trần trong lò nóng bỏng. Nhiệt độ có thể lên tới 1800C nhưng người Tân Cương cha truyền con nối bí quyết cảm nhận độ nóng qua bàn tay.
Chè búp loại này cánh săn nhỏ và cong như cái móc câu, có mầu “mốc” đặc trưng. Khi pha, thả búp chè vào ấm sành sứ cứ nghe tiếng roong roong. Ðể một dúm chè trong lòng bàn tay hà hơi vào đã thấy mùi thơm ngầy ngậy; nhai thử vài cánh chè cảm nhận được vị bùi, chát, ngọt đậm đà; nhả bã lấy ngón tay cái và ngón trỏ bóp, vặn thử thấy nước và bã xanh rờn như chè tươi, đấy là loại tốt. Có thể ướp chè búp với hoa sói, hoa ngâu, hoa nhài, hoa sen… để tạo thêm những hương thơm khác nhau tùy sở thích mỗi người nhưng việc ướp cũng phải tuân thủ những quy định công phu, nếu không có kinh nghiệm sẽ làm giảm hương vị tự nhiên của chè.
Những nghệ nhân nơi đây cho biết, chè ngon trong năm là chè thu hoạch vụ Xuân, mùi hương cốm chè Tân Cương không nơi nào học được. Để có được một ký chè Tân Cương thứ thiệt quả là không dễ. Ai đã thử qua trà shan tuyết Suối Giàng, shan tuyết Cao Bồ, Hà Giang, thậm chí sang Hàng Châu uống thử trà Long Tỉnh, trà Ninh Ba, Ô Long – Đài Loan cũng phải công nhận rằng, trà Tân Cương quả thực “danh bất hư truyền”.
Đến thăm “đất tổ” của chè Tân Cương, du khách được chiêm ngưỡng bãi chè cổ tại xóm Lam Sơn, ngay dưới chân núi Guộc, trên mỗi gốc cây sần sùi già cỗi là vòm tán rộng hàng sải tay với ngàn ngàn búp non tua tủa. Nghe người già kể về nguồn gốc vùng chè đặc sản quý hiếm này, được thưởng trà giữa không gian khoáng đạt trong lành, du khách sẽ cảm nhận trọn vẹn hương vị thiên nhiên được kết tụ trong mỗi búp chè Tân Cương ./.
ItaExpress (tổng hợp)