Trà Nguyên (Trà Kinh – P2)
Biên dịch:
Trà, giống cây quý ở phương Nam vậy. Thân cao một thước, hai thước cho tới vài chục thước. Ở vùng Ba Sơn, Hiệp Xuyên có giống cây hai người ôm mới đặng, đốn xuống mới ngắt được lá. Cây này tựa cây qua lô, lá như lá chi tử (dành dành), hoa như hoa tường vi trắng, quả như quả binh lư (quả cọ), nhị như nhị đinh hương, rễ như rễ hồ đào. (Nguyên chú: Qua lô sinh trưởng ở vùng Quảng Châu, tựa trà ở vị đắng chát. Binh lư thuộc họ bồ quỳ, giống nó cũng như trà vậy. Hồ đào và trà, rễ thảy mọc ngầm, xuyên lớp đá vụn, mầm trổ bên trên.)
Chữ “trà” hoặc thuộc bộ thảo, hoặc thuộc bộ mộc, hoặc thuộc cả thảo lẫn mộc. (Nguyên chú: Thuộc bộ thảo thì viết, chữ này thấy trong sách “Khai Nguyên văn tự âm nghĩa”; thuộc bộ mộc thì viết, thấy trong sách “Bản thảo”; còn thuộc cả bộ thảo và mộc thì viết thành “đồ”, chép trong sách “Nhĩ nhã”.) Tên cây ấy, một gọi là “Trà” , hai gọi là “Giả” , ba gọi là “Thiết” , bốn gọi là “Mính” , năm gọi là “Suyễn” . (Nguyên chú: Chu công rằng: “Giả là khổ đồ”; Dương Chấp kích viết: “Người miền Tây Nam đất Thục gọi đồ là ‘thiết’.” Quách Hoằng Nông nói: “Ngắt sớm thì gọi là ‘đồ’, ngắt muộn gọi là ‘mính’, hoặc ‘suyễn’.”)
Đất trồng trà thì thứ đất lạn thạch là đất thượng đẳng, đất sa mịn là đất thứ đẳng, còn đất hoàng thổ là đất hạ đẳng vậy !
Đại phàm gieo mà chẳng nảy, vun mà thưa rếch, y phép trồng dưa, ba năm hái được. Giống trà mọc ở ngoài nội là thượng, trồng nơi vườn tược là thứ. Trà mọc phía Nam núi, có rừng che phủ, thời trà lá tía là thượng, lá xanh là thứ; măng trà là thượng, chồi trà là thứ; lá co là thượng, lá ruỗi là thứ. Còn như trà mọc phía Bắc núi thì không nên hái về. Tính nó ngưng trệ, uống khó tiêu, dễ kết sỏi.
Cái dụng của trà, vị chí hàn, dùng để uống, hợp nhất với bậc có phẩm tính kiệm cần, đức hạnh thuần hậu. Nếu thấy nóng khát, buồn bực, đau đầu, nhức mắt, tứ chi mỏi mệt, các khớp bải hoải, thời uống lấy bốn năm ngụm, có thể sánh ngang với nước cam lộ, đề hồ vậy !
Loại trà hái chẳng đúng thời, chế lại không tinh, có lẫn tạp thảo, uống vào thành tật ! Cái lụy của trà, cũng hệt nhân sâm ! Nhân sâm sinh trưởng ở Thượng Đảng là loại thượng phẩm, ở Bách Tế, Tân La là thứ phẩm, ở Cao Ly là hạ phẩm. Còn như giống nhân sâm sinh trưởng ở Trạch Châu, Dịch Châu, U Châu, Đàn Châu dẫu đem làm thuốc cũng thảy vô hiệu, huống hồ là các giống khác ! Thiết nghĩ nhầm tưởng Tề Nễ là nhân sâm mà đem uống thì sáu tật chẳng đỡ. Thế nên sau khi biết được cái lụy của nhân sâm, ắt thấy được rốt ráo cái lụy của trà vậy.
Nguồn: Sách Trà Kinh do NXB Văn Học Xuất bản năm 2008