Người làm trà tử tế và câu chuyện trà bẩn

Mấy ngày qua tin tức trà tẩm hóa chất ít nhiều làm cho người uống trà hoang mang.

Tuy vậy !

Thiết nghĩ chúng ta không nên vì một vài cơ sở sản xuất trà bẩn mà đánh giá cả một vùng sản xuất,một ngành nghề,đánh đồng như vậy vô tình chúng ta đang tạo nên sự thờ ở,lãnh cảm
Đừng bao giờ bỏ trà loại thức uống quý giá,chỉ vì thiếu hiểu biết,hãy nhìn tổng thể và khách quan,đừng nhìn phản diện,chung chung
Nhiều người nói với tôi,thôi từ nay không uống trà nữa,rồi thì uống nước lọc còn hơn….
Tôi chỉ biết mỉm cười,tôi biết họ là người uống trà và họ có quyền lựa chọn thức uống cho mình,đó là quyền tự do của mỗi cá nhân không ai có thể can thiệp
Nhưng buồn thay,Câu chuyện đó lại rằng xe trong tôi,không lẽ vì một vài cơ sở sản xuất,một vài cá nhân mà ta lại cho rằng trà không thể uống sao ?
Chẳng lẽ chỉ vì một vết bẩn nhỏ trên cái áo mà ta lại bỏ cả cái áo
Tôi cho rằng điều đó là không nên,bởi lẽ như vậy là thiếu tôn trọng bản thân và cả những người không có nổi một cái áo tử tế để mặc
Quay lại với trà cũng vậy,Việt Nam là một nước xuất khẩu trà lớn trên thế giới,trà Việt Cũng được đánh giá rất cao về chất lượng,người việt uống trà từ rất lâu đời và câu chuyện trà tẩm hóa chất chỉ là một trong hàng ngàn câu chuyện thực phẩm bẩn khác
Thông tin báo chí rất tốt nếu chúng ta biết lắng nghe và tiếp nhận đa chiều và nhiều góc cạnh
Điều quan trọng là chúng ta phải biết chắt lọc và hơn nữa là đừng bao giờ xuề xòa,qua loa,theo kiểu được-chăng-hay-chớ.
Bài viết của một trà hữu gửi tôi,tôi xin chia sẻ lên để chúng ta hiểu rằng,không chỉ người trồng,người sản xuất lo lắng,trăn trở mà cả những người uống trà,thưởng trà họ cũng có những tâm tư tình cảm đặc biệt với Trà !
Nguyên văn bài viết :
” Có nên uống “TRÀ TẨM NIỆM” ?
 
Xưa người Việt ta đã biết đến cây chè, cũng như những giá trị của nó đối với người sử dụng. Từ khi sinh ra và kể cả đến lúc nhắm mắt xuôi tay, trà luôn song hành với mỗi cuộc đời, và tôi cũng không ngoại lệ đã được tắm nước chè khi sinh ra. Lớn lên một chút thì mỗi lần đi học về tôi lại chạy ngay vào bàn trà của ông nội và bố tôi vồ ấm trà, tu ừng ực để giải cơn khát. Lớn lên chút xíu, tôi được tiếp xúc và biết thế nào là thưởng trà qua những lần ông nội tôi, ông trẻ tôi cùng các trà hữu nhấp ngụm trà bình thơ văn, đàm đạo thế thái nhân tình. Từ khi biết đến trà tôi dường như xa rời với những thức uống khác. Văn hoá thưởng trà của người Việt hết sức độc đáo khác hẳn với sự hào nhoáng của Trung Quốc, nghi lễ của người Nhật Bản. Giản dị những cũng không kém phần tinh tế.
 
Xưa các cụ hiểu trà, trước khi thưởng trà nào, thường tìm hiểu rất kỹ về nguồn gốc xuất xứ, cách trồng, chăm sóc, chế biến. Những cánh trà nhỏ đều tăm tắp, mảnh mai, cong và mềm mại… là một trong số các tiêu chí để lựa chọn trà cộng với sự tinh tế của nghệ thuật pha trà, kết hợp hài hoà giữa ấm và nước sẽ cho ra được những chén trà ngon -đủ các tiêu chí về vị, sắc, hương. Nhìn ngắm xác Trà lành lặn mà lòng sung sướng, thanh thản.
 
Ngày nay, học theo các cụ, hiểu trà vẫn chưa đủ. Các loại trà đầy rẫy trên thị trường. Tuy nhiên, khó có thể săn lùng được những cánh trà ngon như vậy, bởi vì cái tâm hạn chế của người trồng, chế biến và người thương buôn. Họ cuốn theo kinh tế thị trường, thực dụng, cá nhân khi cho ra đời, phân phối các sản phẩm mà trà không ra trà. Họ đầu độc người uống trà bằng thuốc kích mầm, thuốc trừ sâu, họ giả tạo khi tạo ra các phẩm nhái, dùng phụ gia để đánh lừa chất lượng, nhái về hình thức mẫu mã bao bì sản phẩm, nhái cả tên của các danh trà thế giới. Cánh trà thì nhỏ to lẫn lộn, xác trà tan tác, đồng thời họ đánh vào tâm lý người tiêu dùng xuất ra các loại trà giá rẻ và những lời có cánh để đẩy người uống trà vào mê hồn trận. Dạo quanh thị trường Trà Việt Nam hôm nay, chúng ta thấy đầy rẫy các loại trà bất nhân như thế.
 
Vua chúa ngày trước là thiên tử chí tôn, là người đứng trên muôn người, để xứng danh và kéo dài tuổi thọ, thời gian trị vì. Họ thường tìm, chọn, sử dụng cho mình những thứ nhất để sử dụng như: đồ xa hoa nhất, các cung nữ đẹp nhất, cao lương mĩ vị ngon nhất, bổ nhất, sạch nhất….Họ chọn những nam giới giỏi, am hiểu làm bếp trưởng để chế biến những đồ ăn, nước uống cho mình, và đặc biệt trước khi ăn,uống các thái giám sẽ phải thử độc.
 
Thiết nghĩ người uống trà ngày nay, để không bị đầu độc cần phải bỏ công, sức, lực tìm đến những người trồng, chế biến, phân phối có Tâm – Tầm, tìm những loại trà có thể truy xuất ngay nguồn gốc xuất xứ -đạt các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn VietGap, Organic . Đồng thời nói không với các sản phẩm rẻ tiền, nguy cơ cao khi sử dụng kiểu, mẫu mã bao bì in sẵn, nguồn gốc không rõ ràng và không đạt những tiêu chuẩn nói trên có như vậy ngoài đảm bảo sức khoẻ, thưởng những chén trà ngon còn góp phần duy trì và phát triển văn hoá thưởng trà của người Việt./.
N.M.Tín
Kính chúc người trồng và sản xuất có thêm niềm tin và nghị lực theo đuổi nghề trà.
Chúc quý trà hữu và người thưởng trà có một chén trà trọn vẹn đúng nghĩa !

Bài viết liên quan