Trà khí (Trà Kinh – P5)
Biên dịch: Trần Quang Đức
Phong lư (lò ba chân) : Đúc bằng đồng hoặc sắt, như hình cổ đỉnh. Dày ba phân, mép rộng chín phân, bề trong sáu phân rỗng, quết bằng bùn đất. Lư có ba chân, thảy viết hai mươi mốt chữ cổ. Một chân viết rằng: “Khảm thượng Tốn hạ Ly vu trung” (quẻ Khảm trên, quẻ Tốn dưới, quẻ Ly ở giữa); chân khác lại viết: “Thể quân ngũ hành khứ bách bệnh” (cơ thể cân bằng ngũ hành thì tiêu trừ được trăm bệnh); chân còn lại viết: “Thánh Đường diệt Hồ minh niên chúc” [27] (đúc vào sau năm nhà Đường diệt rợ Hồ). Giữa ba chân có đặt ba cửa, cửa phía dưới là chỗ để thông gió, thả tro vậy. Trên ba cửa viết sáu chữ cổ. Một cửa viết hai chữ “Y công”, một cửa viết hai chữ “canh Lục”, một cửa lại viết hai chữ “thị trà”. Tức “Y công canh, Lục thị trà” (Món canh của ông Y Doãn [28], trà khí của ta Lục Vũ [29]) vậy. Lại nữa, trên lư có đặt ba kiềng : kiềng thứ nhất có đúc “địch”, là giống hỏa điểu (chim lửa), vậy nên vẽ quẻ Ly; kiềng thứ hai có đúc “bưu”, là giống phong thú (hổ gió), vậy nên vẽ quẻ Tốn; kiềng thứ ba có đúc “ngư”, là giống thủy trùng (cá nước), vậy nên vẽ quẻ Khảm. Quẻ Tốn có tượng là gió, quẻ Ly có tượng là lửa, quẻ Khảm có tượng là nước, gió có thể dấy lửa, lửa có thể sôi nước, vậy nên mới đặt ra ba quẻ làm vậy [30]. Mặt lư có thể trang trí hoa văn, họa tiết như kiểu nước cuốn quanh co, cỏ hoa liền dải. Lư cũng có thể rèn sắt mà chế ra, lại cũng có thể dùng bùn đất mà nặn thành. Lư còn có một thứ gọi là hôi thừa, có ba chân, là khay sắt đỡ tro vậy.
Cử (sọt) : đan bằng lạt trúc. Cao một thước hai tấc, đường kính rộng bảy tấc. Hoặc dùng dây mây, làm khuôn gỗ như hình sọt mà đan lấy. Đan mắt tròn lục giác, đáy và nắp tựa miệng rương trúc, sức thêm đồng.
Thán qua (dùi than) : lấy sắt lục lăng mà chế ra, dài một thước, đầu nhọn thân thô. Cầm đầu nhỏ buộc lấy quả tiểu trùy mà làm trang sức, cũng giống như cây gậy gỗ nay quân nhân vùng Hà Lũng [31] vẫn dùng. Hoặc làm thành hình búa, hoặc làm thành hình rìu, tùy ý từng người.
Hỏa giáp (cời lửa) : còn một tên là trợ (đũa), như loại thường dùng thì tròn thẳng, dài một thước ba tấc, đầu bằng dẹt, không cần phải làm thành hình cầu hay móc câu làm gì. Dùng sắt hoặc đồng luyện mà chế ra.
Phụ (nồi miệng rộng) : dùng gang đúc mà thành. Người nay có kẻ theo nghiệp rèn đúc gọi “gang” là “cấp thiết” (sắt gấp). Gang ấy được đúc lại từ lưỡi cày tàn khuyết vậy. Nồi này trong phết đất, ngoài phết cát. Đất trơn ở trong, dễ dàng cọ rửa; cát sáp ở ngoài, tiện bề hấp nhiệt. Quai nồi vuông, để đặt nồi cho được ngay ngắn vậy. Miệng nồi rộng, để sử dụng cho được lâu bền vậy. Rốn nồi dài, để nước trà luôn ở mực giữa vậy. Khi rốn nồi dài, thì nước sôi ở giữa; nước sôi ở giữa thì mạt trà dễ nổi; mạt trà dễ nổi thì vị trà thuần chính. Ta hay ở đất Hồng Châu [32] người ta lấy sứ làm nồi, đất Lai Châu [33] thì lấy đá làm nồi. Sứ và đá tuy là thứ nhã khí, song tính không cứng chắc, khó giữ lâu dài cho được. Còn như lấy bạc làm nồi, thì cực kỳ thanh khiết, nhưng lại quá ư xa xỉ. Nhã thì nhã đấy, sạch thì sạch đấy, nhưng nếu dùng lâu, chung quy vẫn nồi gang tốt nhất.
Giao sàng (rế gỗ) : giá gỗ giao nhau hình chữ thập, khoét giữa cho rỗng, để kê nồi vậy.
Giáp (kẹp) : chọn trúc xanh non mà làm, dài một thước hai tấc, sao cho ở một đầu thanh trúc, chỗ một tấc đầu tiên có một đốt trúc, từ đốt ấy trở lên cho đến đầu kia thì chẻ ra, dùng để kẹp trà mà sấy. Thân trúc hơ trên lửa thì tứa nước, bèn mượn hương khiết ấy để tăng thêm vị trà. Chỉn e không phải trong chốn lâm tuyền, thì khó mà làm thế được. Hoặc cũng có kẻ dùng loại sắt tinh, đồng luyện chế thành, cũng là để cho được bền chắc vậy.
Chỉ nang (túi giấy) : dùng giấy mây đất Thiệm [34], loại trắng dày mà may ghép thành hai lớp dùng trữ trà đã sấy, khiến hương trà không toát ra được.
Nhiễn (thuyền tán) : tốt nhất làm bằng gỗ quýt, thứ đến có thể dùng gỗ cây lê, cây dâu, cây trẩu, cây mỏ quạ. Nhiễn, trong tròn mà ngoài vuông vậy. Trong tròn để tiện cho bánh lăn chuyển động, ngoài vuông để tránh cho cối khỏi lật nghiêng. Bên trong vừa đủ đặt bánh lăn mà phía ngoài không hở rộng. Bánh lăn, hình tựa bánh xe không nan hoa mà có trục. Nhiễn dài chín tấc, rộng một tấc bảy phân. Đường kính bánh lăn ba tấc tám, giữa dày một tấc, viền dày nửa tấc. Trục tâm vuông mà cán tròn. Còn có phất mạt (cái quét mạt trà) chế bằng lông chim vậy.
La, hạp (sàng, hộp) : mạt trà sau khi đã sàng, thì dùng hộp đựng lấy, sau đó đặt cả “tắc” vào trong hộp. Làm cái sàng thì phải chẻ thân trúc lớn rồi cạp thành miệng tròn, đoạn lại lấy the, lụa mà bưng thành đáy. Hộp thì làm bằng đốt trúc, hoặc uốn cong gỗ thông mụ rồi quét sơn lên. Hộp cao ba tấc, nắp một tấc, đáy hai tấc, đường kính bốn tấc.
Tắc (cóng đong trà) : dùng loại vỏ sò, vỏ trai, hoặc như loại thẻ tre, thìa muỗng làm bằng đồng, sắt, hoặc trúc. “Tắc” nghĩa là đong, đếm, đo đạc vậy. Phàm đun nước một thăng, thì dùng mạt trà một thìa tấc vuông. Nếu là kẻ thích uống trà nhạt thì giảm lượng đi, còn kẻ thích uống trà đặc thì bỏ thêm vào. Ấy nên gọi “tắc” là vậy.
Thủy phương (thùng nước) : có thể dùng gỗ trụ, gỗ hòe, gỗ thu, hoặc gỗ thị. Ghép các tấm gỗ lại với nhau, rồi phết sơn lên cả mép trong lẫn ngoài. Thùng này có thể đựng được một đấu nước.
Lộc thủy nang (túi lọc nước) : như loại thường dùng, khung ngoài lấy đồng thô mà đúc, phòng khi thấm nước cũng không sinh rêu mốc và thứ mùi tanh hôi; còn nếu đúc bằng đồng luyện thì sẽ sinh rêu, đúc bằng sắt thì có mùi tanh vậy. Lại như các bậc ẩn sĩ nơi sơn cốc, cũng có người dùng trúc, dùng gỗ mà chế lấy. Gỗ và trúc tịnh chẳng phải là thứ có thể dùng lâu bền cho được. Vậy nên thảy dùng đồng thô chế ra. Túi ấy thì đan lạt trúc xanh rồi cuộn lại, cắt lụa nhũn biếc mà may vào, đoạn lấy bông bèo cánh trả [35] khâu lên, sau làm túi vải sơn màu lục đựng lấy. Lộc thủy nang, đường kính năm tấc, cán một tấc năm phân.
Biều (cái bầu) : còn gọi là “hy”, là “chước”, hoặc xẻ bầu, hoặc đẽo gỗ mà làm. Bài “Suyễn phú” của Đỗ Dục [36], xá nhân thời Tấn có viết: “Chước chi dĩ bào” (lấy “bào” mà múc). “Bào” cũng chính là bầu vậy, miệng rộng, thân mỏng, cán ngắn. Trong năm Vĩnh Gia [37], có người đất Dư Diêu [38] là Ngu Hồng vào núi Bộc Bố hái trà, gặp một đạo sĩ, đạo sĩ nói rằng: “Đan Khưu tử [39] ta, luống mong ngươi ngày sau trong âu, hy có chút dư thừa, thì đem tặng lại làm quà.” “Hy” là cái bầu gỗ vậy. Nay thường dùng gỗ cây lê mà gọt thành.
Trúc giáp (kẹp trúc) : lấy gỗ đào, liễu, bồ quỳ hoặc gỗ lõi hồng mà vót thành. Dài một thước, hai đầu bịt bạc.
Ta quỹ (âu muối) : lấy sứ làm thành. Đường kính bốn tấc, như hình hộp. Hoặc giả cũng có loại tựa hình cái bình, cái phẫu, dùng để đựng muối vậy. Lại thêm cái yết, làm bằng trúc, dài bốn tấc một phân, rộng chín phân, dùng để xúc muối.
Thục vu (bình thủy) : dùng để đựng nước sôi. Hoặc làm bằng sứ, hoặc làm bằng thứ đất cát, đựng được hai thăng.
Uyển (bát) : bát ở Việt Châu là thượng phẩm, ở Đỉnh Châu, Vụ Châu [40] là thứ phẩm; ở Nhạc Châu là thượng phẩm, ở Thọ Châu, Hồng Châu [41] là thứ phẩm. Có kẻ cho rằng bát Hình Châu tốt hơn Việt Châu, thì tuyệt không phải thế. Nếu sứ Hình Châu tựa bạc, thì sứ Việt Châu lại tựa ngọc, Hình Châu chẳng bằng Việt Châu, ấy là lẽ thứ nhất vậy. Nếu sứ Hình Châu tựa tuyết, thì sứ Việt Châu lại tựa băng, Hình Châu chẳng bằng Việt Châu, ấy là lẽ thứ hai vậy. Sứ Hình Châu trắng mà sắc trà đỏ, sứ Việt Châu xanh mà sắc trà lục, Hình Châu cố nhiên chẳng bằng Việt Châu, ấy là lẽ thứ ba vậy. “Suyễn phú” của Đỗ Dục thời Tấn có viết : “Chọn đồ lựa gốm, thảy ở Đông Âu.” Âu, chính là Việt Châu vậy. Âu của Việt Châu là thượng phẩm, miệng không cuốn cong, đáy cong mà nông, đựng được nửa thăng trở lại. Sứ Việt Châu và Nhạc Châu đều xanh, xanh thì đậm sắc trà, trà có màu lục vậy. Sứ Hình Châu trắng, sắc trà đỏ; sứ Thọ Châu vàng, sắc trà tía; sứ Hồng Châu nâu, sắc trà đen, đều chẳng thích hợp vậy.
Bản (cái mẹt) : dùng bạch bồ thảo mà tết lại, có thể đựng được mười chiếc bát. Cũng có kẻ dùng cử (sọt) thay thế. Áo giấy bên trong lấy giấy Thiệm may làm hai lớp, hình vuông, cũng để đựng được mười chiếc vậy.
Trát (bàn chải) : gom vỏ binh lư, rồi lấy gỗ thù du kẹp mà buộc lại; hoặc cắt lấy cành trúc ngắn, bó rồi buộc vào một cái ống, tựa như hình bút lớn.
Địch phương (chậu rửa) : dùng để đựng nước rửa, lấy gỗ cây thu ghép lại mà thành, chế như thủy phương, đựng được tám thăng.
Trể phương (chậu đựng bã) : dùng để đựng cáu bã, chế như địch phương, đựng được năm thăng.
Cân (khăn) : làm bằng vải thi [42]. Dài hai thước, làm hai chiếc dùng thay nhau, để rửa các dụng cụ vậy.
Cụ liệt (giá đựng) : hoặc làm thành hình giường, hoặc làm thành giá, hoặc thuần dùng gỗ, hoặc thuần dùng trúc mà chế lấy. Hoặc dùng lẫn cả gỗ cả trúc, làm thành tủ nhỏ, có cửa để đóng mở, sơn màu vàng đen, dài ba thước, rộng hai thước, cao sáu tấc. Cụ liệt dùng thu đựng mà đặt bày dụng cụ vậy.
Đô lam : vì bày được các thứ nên đặt tên như thế. Bên trong, đem lạt trúc mà tết thành các mắt tam giác; bên ngoài, lấy lạt đôi, to mà ke dọc, rồi dùng lạt đơn, nhỏ mà buộc ngang. Lạt đơn lần lượt đè lên hai lạt dọc, làm thành mắt vuông, khiến đô lam thêm phần tinh tế. Đô lam cao một thước năm tấc, dài hai thước bốn tấc, rộng hai thước; đáy rộng một thước, cao hai tấc.
Nguồn: Sách Trà Kinh do NXB Văn Học Xuất bản năm 2008