Trà Thái Nguyên – Thương hiệu trà được nhiều người biết đến nhất
Từ việc trồng, bón phân, thời điểm hái, cách hái, dụng cụ đựng chè, cách phơi, sao chè… dường như đều là nghệ thuật, sai một công đoạn có thể làm hỏng hết hương vị của thành phẩm. Người Thái Nguyên bón chè bằng phân vi sinh, thuốc đuổi sâu chế biến từ cây khổ sâm. Chè phải được hái từ tinh sương đến giữa Ngọ. Dụng cụ đựng chè phải bằng sọt tre, hái khoảng nửa giờ phải mang chè vào lán. Chè đựng bằng bao ni lông và phơi nắng lâu rất dễ bị ôi chè, phẩm cấp giảm. Khi sao chè, kỵ nhất là mùi nước hoa, đặc biệt mùi dầu cù là. Hái búp chè cũng phải đúng cách “một tôm hai lá, một cá hai chừa” để lấy được đúng phần ngon nhất của búp chè và tạo điều kiện cho lứa sau phát triển nhanh, nhiều búp hơn. Sau khi thu hái, chè búp tươi phải được tải trong bóng râm chừng 3 giờ đồng hồ rồi mới đem chế biến thì chè sẽ cho hương vị tuyệt hảo. Đây là kinh nghiệm quý được đúc kết qua nhiều đời làm chè.
Búp chè hái về phải chế biến ngay trong ngày theo đúng quy trình kỹ thuật truyền thống: Sao, vò, rồi lại sao mà phải làm liên tục, gọi là sao suốt. Qua bàn tay đảo búp chè cảm nhận độ nóng rồi điều chỉnh lửa thích hợp trong quá trình sao là bí quyết riêng của mỗi nhà sản xuất chè để được chè ngon; rồi sàng sảy phân loại chè cám, chè ban, chè búp; lấy hương… rất nhọc nhằn, công phu. Trước đây sao chè bằng chảo gang và củi, lấy hương bằng chảo đồng cho sản phẩm chè ngon nhất nhưng năng suất chế biến thấp, sao giỏi chỉ được 5kg/ngày, một lò sao lăn được 2kg/giờ. Nay, việc sao vò chè đã có máy móc hiện đại, rút ngắn thời gian chế biến. Nhưng, dù theo cách nào, chè ngon hay dở đều phụ thuộc phần lớn vào việc điều chỉnh lửa.
Khi chế biến chè, người nông dân đã thực sự trở thành nghệ nhân. Sự nhạy cảm của các ngón tay mách bảo họ khi nào chè cần tăng nhiệt, khi nào phải rút bớt củi, quá lửa chè sẽ khét còn không đủ nhiệt, chè có vị ngái rất khó uống. Nhiều nghệ nhân cho biết chỉ cần nghe tiếng cánh chè chuyển động trong lò sấy đã có thể biết độ nóng của lò. Dù họ không giấu nghề, tận tình hướng dẫn từng động tác nhưng khách không dám đến sát lò lửa chứ đừng nói đến chuyện đảo vò chè bằng tay trần trong lò nóng bỏng. Nhiệt độ có thể lên tới 1800C nhưng người dân nơi đây cha truyền con nối bí quyết cảm nhận độ nóng qua bàn tay.
Hiện nay, Thái Nguyên có khoảng 18.665 ha trồng chè, cả 9 huyện – thành thị đều có sản xuất chè. Trong đó có trên 14000 ha chè kinh doanh với năng suất chè búp tươi đạt hơn 100 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi đạt hơn 100 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi đạt hơn 185.000 tấn/năm, sản lượng chè khô thu được đạt hơn 16.000 tấn.năm.
Trên địa bản tỉnh có doanh nghiệp, hợp tác xã và 52 làng nghề sản xuất và kinh doanh chè. Với đôi tay khéo léo và phương pháp chế biến truyền thống, sản phẩm trà Thái Nguyên rất thơm ngon, mang hương vị đặc trưng và phù hợp với “gu” thưởng thức của đại đa số người thưởng thức.
Thương hiệu trà Thái Nguyên được người tiêu dùng trong cả nước và quốc tế biết đến với nhiều sản phẩm đặc sản, cao cấp như trà xanh ướp hương đóng gói, trà hộp, trà đen. Sản phẩm trà Thái Nguyên đã có mặt trên thị trường ở hầu hết tỉnh, thành trong cả nước và nhiều quốc gia lớn trên thế giới như Nga, Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản…
Nghệ thuật “Trà đạo” của người Thái Nguyên cũng mang những nét riêng, hết sức tao nhã nhưng cũng hết sức cầu kỳ…
Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đang thẩm định đề xuất: “Trà Thái Nguyên – Thương hiệu trà được nhiều người biết đến nhất” – Đơn vị sở hữu: Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên.
Bản quyền bài viết thuộc về Kỷ lục – Vietkings