Trà Việt và cách người Việt uống trà

Không cầu kỳ với những nghi lễ phức tạp như trà đạo Nhật Bản, không công phu bày vẽ như trà Tàu, người Việt thưởng trà theo một lối rất riêng, mộc mạc, giản dị nhưng trong đó vẫn toát lên được vẻ tinh tế qua từng chén trà và thú thưởng trà

Điểm dễ phân biệt trà Việt thuần túy với vô thiên lủng các loại trà khác từ Nhật, Tàu, đến Ấn, và cả những giống chè Tây Âu, ấy là vị đắng nghét từ đầu lưỡi ngay từ ngụm trà đầu tiên. Vị đắng ấy dễ khiến tình cảm của khách lạ lần đầu thưởng thức trà Việt ít nhiều bị chia phôi ngay, nhất là với những người thiếu tính kiên nhẫn. Nói một cách khác, trà Việt có gì đó rất giống với người Việt, phảng phất chút e dè, nhút nhát, thậm chí xa cách ngay từ buổi sơ giao với khách lạ, nhưng càng tiếp xúc nhiều, sẽ thấy trong những “gian nan ban đầu ấy” là cả một tình cảm dạt dào, một mối gắn kết thân thương không dễ gì dứt ra được.

Người Việt hay an ủi nhau “sau cơn mưa trời lại sáng, sau cực khổ sẽ là niềm vui”, trong thú uống trà Việt cũng thế, vẻ khó chịu hiện hữu từ cái nhấm nháp đầu tiên, nhưng đằng sau cái đắng ấy là vị ngọt thanh cứ nhấn nhá, ẩn hiện mãi trong vị giác của người thưởng trà. Phải có thời gian mới cảm ra hậu ngọt của trà Việt, phải có thời gian mới hiểu rằng, trà Việt chỉ ngon khi bắt đầu bằng vị đắng. Nếu xét trà Việt ở một góc độ khác về văn hóa, ngay cả trong những câu chuyện truyền thuyết dân gian của người Việt, cái kết thúc bao giờ cũng có hậu, cũng vẹn toàn, cái ác bao giờ cũng thất bại, nỗi cực khổ của mỗi nhân vật trong truyền thuyết cuối cùng cũng được bù đắp bằng niềm hạnh phúc. Trà Việt cũng y chang như thế, bởi vậy, khi uống trà Việt, người ta không đề cập đến vị đắng của trà ngay từ ban đầu, mà luôn chú ý đến cái hậu, cái đúc kết của cả một quá trình “uống trà”. Trà ngon, ắt phải có hậu ngọt.

 

Trà Việt dễ gần với mọi người bởi không bị gò ép theo một khuôn khổ nhất định, không bị ràng buộc bằng những quy tắc, nghi thức mà con người gán cho nó. Thưởng thức trà Việt là một sự linh hoạt vô cùng phong phú. Có thể cầu kỳ, kiểu cách như các bậc phú ông ngày xưa sáng tinh mơ ngồi bên bộ chén mai – hạc một tống ba quân, trên đề hai câu thơ nôm “Nghêu ngao vui thú yên hà – Mai là bạn cũ hạc là người quen”. Trà pha trong bộ chén quý ắt phải là trà quý, với những kiểu cách chế biến cầu kỳ từ ướp trà với hoa sen, hoa cúc, hoa lài, hứng sương mai trên lá sen để nấu nước pha trà… mà mỗi danh sĩ, mỗi tao nhân mặc khách, quan lại thời xưa thường tự mình chế tác để một mình hưởng trọn hương trà theo lối “độc ẩm”, hay “đối ẩm” chia sẻ những khía cạnh cuộc đời với người bạn chí cốt, thậm chí cùng nhau “quần ẩm” với bằng hữu nơi nơi, ấy cũng là thú vui của người Việt mọi thời.

 

Còn với người bình dân, Trà Việt mang nét thanh đạm, mộc mạc, và có tính đại chúng, dễ ăn nhập vào đời sống của mọi người, từ nông thôn ra thành thị. Một nhúm trà kèm một ngụm nước sôi của bà hàng nước ở khắp nơi vùng Bắc Bộ, cầm ly trà nóng hổi ngồi vắt chân lên cái ghế chữ A, người uống có thể khám phá cả một vùng thông tin thú vị qua bà hàng nước (vốn là) lắm lời, từ chuyện thời tiết, đến chuyện làng xã, thôn xóm, thậm chí cả về chuyện kinh tế, chính trị, xã hội ở Việt Nam và kể cả thế giới mà bà hàng nước may mắn thu gom hoặc nghe lỏm được từ những vị khách khác cũng đến đó uống trà.

Hay kiểu uống trà tối giản như người miền Nam với món trà đá quen thuộc, phần nào cũng thể hiện lên tính cách đơn giản, xuề xòa kiểu người miền Nam. Trà đá len lỏi từ nhà hàng sang trọng ra những quán bình dân. Trà đá, đơn giản chỉ là trong ly trà sóng sánh vài cục đá, uống nước có tí mùi trà thế là ổn, bởi cái cách uống trà kiểu miền Nam: uống cho đã khát! Bình dân, mộc mạc, giản dị như trà đá là ở chỗ ấy. Trà đá cứ thế len lỏi trong cộng đồng người dân xứ nóng, người ta uống trà đá không phải để khen – chê trà ngon – dở, không phải để bình luận về trà, trà đá ở đây được định tên thành một danh từ chung, phục vụ cơn khát cho đủ hạng người trong xã hội.

 

Chân tình mà nói, thưởng chén trà Việt, dẫu theo kiểu nào đi chăng nữa, trong không gian nào đi chăng nữa, vẫn rất dễ tìm ra trong chén trà những miên man tâm tình của người Việt. Thưởng thức trọn vẹn chén trà Việt để cảm nhận vị trà trong từng giác quan, tựa hồ như đang trải lòng mình cùng cả một vùng văn hóa.

Nguồn: Hiệp hội Chè Việt Nam

Bài viết liên quan